Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Tạ ơn LTXC đã gửi đến cho riêng thế giới Kitô giáo và Giáo Hội Công Giáo cũng như chung thế giới nhân loại ngày nay một vị Giáo Hoàng Thừa Sai Thương Xót Phanxicô, như chính đời sống đơn sơ, nghèo khó, bình dân và thương người của Ngài đã hiển nhiên cho thấy.
Những ngày cuối đời bệnh hoạn tật nguyền của Ngài cũng chẳng khác gì như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã phát động "thời điểm thương xót" để rồi cuối cùng chính bản thân của Ngài đã phải trải qua những tháng ngày cuối đời thật thảm thương và đáng thương ở trong bệnh viện và một Tuần Thánh câm nín cùng liệt giường cho tới hơi thở cuối cùng vào lúc 9:37 phút tối ngày 2/4/2005 sau Thánh Lễ vọng Chúa Nhật LTXC mùng 3/4/2005.
Thật vậy, chính ĐTC Phanxicô đã công khai tuyên bố: "Đây là thời điểm thương xót" và công nhận vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 của mình là vị Giáo Hoàng đã phát động "thời điểm thương xót" trong cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma vào đầu Mùa Chay ngày 6/3/2014 như sau:
"Chúng ta không phải ở đây để thực hiện một cuộc tĩnh tâm vào đầu Mùa Chay, mà là lắng nghe tiếng của Vị Thần Linh đang nói cùng toàn thể Giáo Hội trong thời điểm của chúng ta đây, thực sự là thời điểm thương xót. Tôi chắc chắn như thế. Nó không phải chỉ trong Mùa Chay. Chúng ta đang sống trong thời điểm của tình thương đã 30 năm hay hơn thế nữa, cho đến hiện nay.
"1- Đây là thời điểm của tình thương trong toàn thể Giáo Hội
"Nó đã được thiết lập bởi Chân Phước Gioan Phaolô II. Ngài đã 'trực giác' thấy rằng đây là thời điểm của tình thương. Chúng ta nhớ lại việc phong chân phước và hiển thánh cho Nữ Tu Faustina Kowalska; sau đó ngài đã lập lễ Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã đi từ từ, từ từ, và đã dẫn đầu về điều này.
"Trong bài giảng phong Hiển Thánh xẩy ra vào năm 2000, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô truyền cho Nữ Tu Faustina đã rơi vào thời điểm giữa hai Thế Chiến và gắn liền với lịch sử của thế kỷ 20. Tương lai của con người trên trái đất này sẽ ra sao, ngài nói: 'Đó là những gì chúng ta không biết được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là cùng với những tiến triển mới chúng ta sẽ không thiếu những cảm nghiệm khổ đau. Nhưng ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa mà Chúa đã thực sự muốn cống hiến cho thế giới một lần nữa qua đặc sủng của Nữ Tu Faustina, sẽ chiếu sáng đường đi nước bước của con người của ngàn năm thứ ba'. Thật là rõ ràng. Nó là những gì hiển nhiên vào năm 2000, nhưng nó đã là một cái gì đó đã từng được chín mùi nơi tâm can của ngài vào một lúc nào đó. Ngài đã có cái trực giác này trong việc cầu nguyện của ngài."
Hằng theo dõi cẩn thận và liên tục hằng ngày sinh hoạt mục vụ của vị Giáo Hoàng Phanxicô vừa qua đời vào lúc 10 giờ 35 phút tối Chúa Nhật Phục Sinh ở Hoa Kỳ này từ khi ngài được bầu chọn vào ngày 13/3/2013 và lời ngài tuyên bố khi xuất hiện trước cộng đồng Giáo Hội và thế giới bấy giờ rằng Ngài là "vị giáo hoàng đến từ tận cùng trái đất", bản thân người viết này nhận thấy rằng ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng được LTXC tuyển chọn để canh tân về nguồn Giáo Hội của Chúa.
Đúng thế, ĐTC Phanxicô chủ trương "canh tân về nguồn" trong suốt giáo triều dài 12 năm 1 tháng 8 ngày. "Canh tân" ở chỗ "về nguồn" chứ không phải cấp tiến hay phá hủy truyền thống của Giáo Hội như một số hiểu lầm nên ra mặt chống đối Ngài. Ngài đưa Giáo Hội được Chúa ủy thác cho Ngài vào thời điểm của Ngài "Về nguồn" ở chỗ nào, nếu không phải về nguồn LTXC là tất cả mạc khải Thánh Kinh về một vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu nơi Đức Giêsu Kitô là "Dung Nhan Thương Xót - Misericordiea vultus" của Thiên Chúa (nhan đề của Tông sắc được ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11/4/2015 để mở Năm Thương Xót 2026).
Mà đối tượng trên hết và trước hết của LTXC là gì nếu không phải là tội nhân, là một nhân loại yếu hèn đáng thương, cần được tìm kiếm và cứu độ "cho đến cùng" (Gioan 13:1) bất cứ giá nào, dù chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:8). Đó là lý do trong bài giáo lý cuối cùng của ngài hôm Thứ Tư Tuần Thánh ngày 16/4/2025, Ngài đã nhắc nhở và trần an con cái Giáo Hội của Ngài trong Năm Thánh Hy Vọng 2025 này rằng: "Phúc Âm muốn mang đến cho chúng ta sứ điệp hy vọng, bởi vì Phúc Âm cho chúng ta biết rằng bất kể chúng ta bị lạc lối nơi nào, bất kể chúng ta bị lạc lối như thế nào, thì Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm chúng ta!"
Hai thành phần được Vị Giáo Hoàng Thương Xót Phanxicô quan tâm chú trọng nhất đó là những người nghèo khổ và nạn nhân của thời cuộc về thể lý nhất là những tâm hồn tội nhân về luân lý, bao gồm cả những người anh em cộng sản hay đồng tính hoặc ly dị tái hôn bất hợp pháp v.v., thành phần vốn bị những vị Kitô hữu tự cho mình là "công chính" trong chúng ta ném đá, tẩy chay, tuyệt thông. Và đó là một trong những lý do chính yếu ĐTC Phanxicô đã bị thành phần Kitô hữu cảm thấy mình chính thống và chân truyền nhất của Giáo Hội Chúa Kitô cần phải bênh vực Giáo Hội đã công khai chống đối. Thế nhưng, họ đã quên rằng: "Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến để lên án thế gian mà là để nhờ Người thế gian được cứu độ" (Gioan 3:17), và chính Chúa Kitô cũng tuyên bố ở trong nhà của viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn rằng: "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Luca 19:10).
Đó là lý do, ngay khi vừa được chọn để phục vụ Giáo Hội và cố gắng thực hiện chiều hướng "canh tân về nguồn" LTXC này, ĐTC Phanxicô đáng kính, đáng mến, đáng phục, đáng theo gương đối với chúng ta đã luôn nhắc nhở chung Cộng đồng Dân Chúa và riêng hàng giáo phẩm cũng như giáo sĩ rằng:
"Chúng ta là một Giáo Hội của các tội nhân; và chúng ta là thành phần tội nhân được kêu gọi để cho mình được Thiên Chúa biến đổi, được canh tân, được thánh hóa...
Chúa muốn chúng ta thuộc về một Giáo Hội có thể mở rộng cánh tay để đón nhận tất cả mọi người, chứ không phải là một ngôi nhà cho một số nhỏ nào đó, mà là ngôi nhà của tất cả mọi người, nơi mọi người có thể được tình yêu của Ngài canh tân, biến đổi, thánh hóa, cả thành phần mạnh mẽ nhất và thành phần hèn yếu nhất, thành phần các tội nhân, thành phần dửng dưng lạnh lùng, những ai cảm thấy chán nản và lạc loài." (Bài Giáo Lý 15 cho/trong Năm Đức Tin Thứ Tư 2/10/2013).
"Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng đường lối để gặp gỡ Người đó là tìm kiếm các thương tích của Người. Chúng ta tìm thấy các thương tích của Chúa Giêsu nơi các việc thực thi tình thương, bằng cách cống hiến cho thân xác - thân xác - cả linh hồn nữa - nhưng tôi nhấn mạnh đến thân xác của những người anh chị em bị thương tích, vì họ đói, vì họ khát, vì họ trần truồng, vị họ bị hạ nhục, vị họ bị làm nô lệ, vì họ bị tù tội, vì họ ở trong bệnh viện. Đó là những thương tích của Chúa Giêsu hôm nay đây. Và Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thực hiện một bước nhẩy vọt đức tin tới với Người, nhưng qua các thương tích của Người.... Chúng ta cần phải chạm đến các thương tích của Chúa Giêsu, chăm sóc các vết thương của Chúa Giêsu, nhẹ nhàng băng bó chúng; chúng ta cần phải hôn lên các vết thương của Chúa Giêsu, được hiểu theo nghĩa đen." (Bài giảng cho Thánh Lễ sáng kính Thánh Tôma Tông Đồ ngày 3/7/2013 tại Nhà Thánh Matta)
"Bởi vậy chúng ta hãy xông pha (go forth), chúng ta hãy xông pha để cống hiến cho hết mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi muốn lập lại cho toàn thể Giáo Hội những gì tôi đã thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình (I prefer a Church which is bruised, hurting and dirty because it has been out on the streets, rather than a Church which is unhealthy from being confined and from clinging to its own security). Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời." (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm 29/6/2014 - khoản 49).
Theo bản thân người viết này thì Thiên Chúa đã an bài vô cùng khôn ngoan huyền nhiệm để cho vị Giáo hoàng thương xót được Ngài tuyển chọn cho "thời điểm thương xót" hiện nay phải qua đời trong Năm Thánh 2025, một Năm Thánh được chính vị Giáo hoàng này chọn chủ đề là "hy vọng", và vì thế có thể nói di chúc của ĐTC Phanxicô của chúng ta cho toàn thể Giáo Hội trong việc "canh tân về nguồn" với LTXC là cốt lõi của tất cả mạc khải thần linh được Thiên Chúa tỏ hiện trong Thánh Kinh đó là:
"Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: 'Các con hãy cho họ ăn gì đi' (Mk 6:37)." (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm 29/6/2014 - khoản 49).
TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh,
Một nửa đêm về sáng Thứ Hai 21/4/2025 tự nhiên cứ trằn trọc và thao thức không ngủ được cho tới sau khi đọc xong Chuỗi Mân Côi và Chuỗi Thương Xót nhận thì được tin ĐTC Phanxicô qua đời!